TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

VIỆN ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG

  Lượt xem: 2926

BỘ PHÁP ĐIỂN ĐIỆN TỬ_CĐ: BẢO HIỂM Y TẾ (P4)

Chương II: ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, TRÁCH NHIỆM VÀ PHƯƠNG THỨC ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ (tt)

Điều 2.2.TL.5.1. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

(Điều 1 Thông tư liên tịch số 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng, học sinh, sinh viên đang công tác, làm việc, học tập trong Bộ Quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân quân nhân tại ngũ, thân nhân cơ yếu ngày 14/04/2016 của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2016)

Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (sau đây viết tắt là BHYT) thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức cơ yếu và thân nhân quân nhân tại ngũ, thân nhân cơ yếu được quy định tại Điểm a Khoản 1, các Điểm 1 và n Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT bao gồm:

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng:

a) Công chức, viên chức, công nhân quốc phòng;

b) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

c) Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức nhà nước;

d) Trí thức trẻ tình nguyện theo Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020”.

2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng:

a) Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (sau đây viết tắt là BHXH);

b) Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng:

a) Học viên đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hệ tập trung theo Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự Cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia BHYT;

b) Người nước ngoài đang học tập trong các học viện, nhà trường Quân đội được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ, (sau đây gọi chung là thân nhân quân nhân); thân nhân của người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác trong Bộ Quốc phòng hoặc tại các Bộ khác, ngành, địa phương và thân nhân của học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường Quân đội (sau đây gọi chung là thân nhân cơ yếu) bao gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị khuyết tật theo quy định của pháp luật.

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Học sinh, sinh viên hệ dân sự trong các học viện, nhà trường Quân đội, Cơ yếu.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 2.2.TL.5.4. Phương thức đóng bảo hiểm y tế)

Điều 2.2.TL.5.2. Đối tượng không áp dụng

(Điều 2 Thông tư liên tịch số 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2016)

1. Đối tượng quy định tại Khoản 1, Điểm c Khoản 3 Điều 1 Thông tư này trong thời gian sinh sống, học tập, công tác, làm việc có thời hạn tại nước ngoài.

2. Đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 1 Thông tư này đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng quy định tại các Khoản 1 và 2; các Điểm a. b, c, d, đ, e, g, h, i và k Khoản 3 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư này.

Điều 2.2.LQ.13. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

(Điều 13 Luật số 25/2008/QH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2009)

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:

a) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

b) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3;

c) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

d) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

đ) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền trợ cấp thất nghiệp và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

e) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí và do ngân sách nhà nước đóng;

g) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng;

h) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;

i) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng;

k) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình.

2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.

3. Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:

a) Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;

b) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

c) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

4. Chính phủ quy định cụ thể mức đóng, mức hỗ trợ quy định tại Điều này.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 25.2.PL.28.)

Điều 2.2.NĐ.1.2. Mức đóng bảo hiểm y tế

(Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015)

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:

a) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản;

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;

Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;

Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế; thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi;

Người lao động trong thời gian đi lao động tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế; trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia bảo hiểm y tế thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia bảo hiểm y tế được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.

Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế.

b) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

c) Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

d) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với đối tượng quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế và đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định này.

đ) Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

e) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với đối tượng quy định tại các Điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m và Điểm n Khoản 3; Khoản 4 và Khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế và đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định này.

Trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó mà không phải đóng bảo hiểm y tế.

g) Mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều này.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan, tổ chức có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 2.2.LQ.12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế)

Điều 2.2.NĐ.1.3. Mức kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng

(Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015)

1. Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế được quy định như sau:

a) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 chưa đủ 05 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất là 01 năm;

b) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;

c) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại.

2. Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng học sinh, sinh viên theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

3. Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định này.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh chưa sử dụng hết trong năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế (nếu có) xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cao hơn cho đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 2.2.LQ.12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tếĐiều 2.2.TL.2.2. Phương thức đóng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng của Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế ban hành ngày 24/11/2014)

Điều 2.2.NĐ.2.4. Mức đóng bảo hiểm y tế

(Điều 4 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2015)

1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng được quy định như sau:

a) Bằng 4,5% tiền lương tháng đối với các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1; Điểm a Khoản 2; các Điểm a và c Khoản 3 Điều 2 Nghị định này;

b) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1; các Điểm b và c Khoản 2; Điểm b Khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ trưởng cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 2.2.NĐ.2.2. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế)

Điều 2.2.TL.5.3. Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

(Điều 3 Thông tư liên tịch số 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2016)

1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này;

a) Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định), hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, đơn vị sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3;

b) Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh;

c) Trong thời gian được cử đi học tập, công tác hoặc đi lao động tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi; trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia BHYT thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia BHYT được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục;

d) Trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia BHYT theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT;

đ) Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này:

a) Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư này;

b) Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 1 Thông tư này;

c) BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH tỉnh nơi cấp thẻ BHYT cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này hằng năm khi quyết toán với BHXH Việt Nam phải tách riêng phần quĩ BHYT cho người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để tính trích từ phần chi quĩ ốm đau, thai sản của người lao động chuyển sang phần đóng BHYT cho người lao động đó.

3. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng.

4. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư này: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo, 30% đối với học sinh, sinh viên khác; phần còn lại của mức đóng do học sinh, sinh viên tự đóng.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 2.2.TL.5.4. Phương thức đóng bảo hiểm y tế)

Điều 2.2.TL.4.4. Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

(Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2016)

1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này thì mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế thực hiện như sau:

a) Mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, Công an đơn vị, địa phương đóng 2/3, người lao động đóng 1/3;

Đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương và được trích từ ngân sách nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có thu thì số tiền đóng bảo hiểm y tế được hạch toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

b) Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng;

c) Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;

d) Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.

2. Đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng, số tiền ngân sách nhà nước đóng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế và mức lương cơ sở tương ứng với thời hạn sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế. Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở thì số tiền ngân sách nhà nước đóng được điều chỉnh từ ngày áp dụng mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở mới.

3. Đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế, phần còn lại do sinh viên tự đóng.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 2.2.TL.4.5. Phương thức đóng bảo hiểm y tế)

Điều 2.2.LQ.14. Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế

(Điều 14 Luật số 25/2008/QH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2009)

1. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đ&